Được đầu tư hàng trăm tỉ đồng với kỳ vọng thay đổi bộ mặt giao thông của TPHCM, giải quyết vấn nạn ùn tắc, song cầu Nam Lý, Tăng Long, Long Đại, Phước Long, Tân Kỳ – Tân Quý lần lượt bị “đắp chiếu” nhiều năm.
Đội vốn hàng trăm tỉ đồng
Tại Thành phố Thủ Đức, ba dự án cầu Nam Lý, Tăng Long và Long Đại dang dở nhiều năm nay là nỗi khổ kéo dài của người dân nơi đây.
Lớn nhất là cầu Nam Lý dài 650 m, rộng 20 m trên đường Đỗ Xuân Hợp, tổng mức đầu tư gần 920 tỉ đồng, được xây dựng để thay cầu Cống đập Rạch Chiếc nhỏ hẹp và xuống cấp. Dự án khởi công cách đây 6 năm nhưng phải dừng khi mới hoàn thành khoảng 39% khối lượng do vướng mặt bằng. Các nhịp cầu đã xây xong từ lâu nằm trơ trọi, sắt thép hoen gỉ.
Cách đó khoảng 4 km, cầu Tăng Long dài gần 800 m, tính cả đường dẫn, bắc qua rạch Trau Trảu trên đường Lã Xuân Oai cũng trong tình trạng tương tự. Dự án này khởi công cách đây 5 năm, nhưng hiện mới đạt 30% khối lượng do vướng mặt bằng. Dự án chậm trễ khiến tổng mức đầu tăng từ 450 tỉ đồng lên 688 tỉ đồng (tăng 238 tỉ đồng).
Tương tự, cầu Long Đại bắc qua sông Tắc (nhánh sông Đồng Nai) nối đôi bờ của 2 phường Long Bình – Long Phước khởi công từ tháng 3.2017 với tổng mức đầu tư 353 tỉ đồng. Cuối năm 2018, dự án thực hiện được hơn 50% tiến độ phải dừng thi công đến nay do vướng mặt bằng.
Dự án cầu Phước Long (nối quận 7 với huyện Nhà Bè) sau vài năm “trùm mềm” cũng tăng tổng vốn đầu tư từ hơn 397 tỉ đồng lên 748 tỉ đồng. Cầu 380 m, tổng vốn đầu tư gần 398 tỉ đồng khởi công năm 2019 nhưng thi công xong một số trụ cầu thì tạm ngừng do chưa được bàn giao đủ mặt bằng.
Trong khi đó, đầu năm 2018, cầu Tân Kỳ – Tân Quý ở cửa ngõ Tây Nam TPHCM khởi công theo hợp đồng BOT (xây dựng – chuyển giao – kinh doanh), tổng mức đầu tư hơn 312 tỉ đồng.
Tháng 12.2018, cầu Tân Kỳ – Tân Quý đã xong 70% khối lượng nhưng phải ngưng thi công do vướng mặt bằng. TPHCM sau đó đã dừng hợp đồng BOT với nhà đầu tư do dự án không phù hợp Nghị quyết 437 của Quốc hội (không được làm BOT trên đường hiện hữu).
Tái khởi động trong năm 2023
Chủ tịch UBND Thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, các cây cầu dang dở ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân cũng như phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Do vậy, Thành phố Thủ Đức đang đẩy nhanh xác minh nguồn gốc, hiện trạng pháp lý đất ở từng hộ dân, doanh nghiệp trong phạm vi dự án để sớm bồi thường, giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư khởi động lại các công trình này trong năm 2023.
Theo ông Hoàng Tùng, việc đền bù, giải phóng mặt bằng ở các dự án sẽ được địa phương vận dụng theo chính sách, cơ chế tốt nhất để người dân đồng thuận, cũng như giúp họ sớm ổn định sau khi giao đất cho các công trình.
Trong khi đó, huyện Nhà Bè và quận 7 đã cam kết bàn giao mặt bằng trong năm 2023 để chủ đầu tư khởi động lại dự án cầu Phước Long.
Với cầu Tân Kỳ – Tân Quý, dự án đã được chuyển qua đầu tư công với tổng mức đầu tư tăng lên gần 500 tỉ đồng. Trong đó, hơn 200 tỉ đồng hoàn tất trả cho nhà đầu tư. Riêng kinh phí đầu tư hoàn thành các hạng mục còn lại khoảng 261 tỉ đồng.
Sau khi hoàn trả tiền cho nhà đầu tư xong, TPHCM sẽ giải phóng mặt bằng toàn bộ phần còn lại để thi công hoàn thành cầu Tân Kỳ – Tân Quý vào năm 2025.
Ông Lê Ngọc Hùng – Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho rằng giải phóng mặt bằng ở nhiều công trình chậm trễ do giá bồi thường hiện chưa sát thị trường, nên nhiều người dân chưa đồng thuận di dời.
Do vậy, thời gian qua, đơn vị này và các bên liên quan triển khai nhiều phương án để tham mưu, trình duyệt giá đất tiếp cận gần hơn để người dân bàn giao. “Sau khi địa phương giao mặt bằng, các cây cầu trên có thể hoàn thành sau 12 – 15 tháng thi công” – ông Hùng nói.
Công Ty TNHH Địa Ốc Bamboo Realty
Hội sở: Tòa nhà Samland River View, 178/6 đường Nguyễn Văn Thương, Phường 25, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh.
Hotline: 0911 068 068
Email: Info@bamboorealty.vn